lundi 12 novembre 2012
Liên hiệp quốc tố cáo Việt Nam vi phạm luật quốc tế
Văn kiện Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Pháp vừa nhận được từ Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc nêu rõ UNWGAD yêu cầu Việt Nam sửa sai thể hiện qua việc phóng thích vô điều kiện và đền bù thiệt hại cho các nhà hoạt động vừa kể theo quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của công dân mà Việt Nam tự nguyện ký kết từ năm 1982.
Tháng giêng năm 2010, 4 nhà dân chủ này bị Hà Nội tuyên án từ 5 tới 16 năm tù với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ luật Hình sự vì các hoạt động ôn hòa cổ súy dân chủ, kêu gọi cải cách chính trị và đa đảng tại Việt Nam.
Trường hợp của họ được Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam đệ nạp lên Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện tại Geneva.
Chủ tịch Ủy ban, ông Võ Văn Ái cho biết:
“Chúng tôi đệ nạp hồ sơ của 4 vị Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long vào đầu tháng 3/2012.”
Sau khi nhận được hồ sơ vụ việc của Định, Thức, Trung, và Long, Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện đã chuyển đạt tới chính quyền Việt Nam hồi giữa tháng ba năm nay.
Đến tháng 7, Hà Nội có thư hồi đáp phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định rằng những người lãnh án tù vi phạm pháp luật Việt Nam.
Tại cuộc họp hồi cuối tháng 8, Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện tuyên bố Việt Nam vi phạm các điều 9, 19, và 21 của Công ước quốc tế khi giam giữ trái phép ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, và Lê Thăng Long.
Bác bỏ luận điểm của Việt Nam, UNGWAD nhấn mạnh cho dù việc bắt giam các nhà hoạt động chiếu theo luật pháp Việt Nam, nhưng vấn đề là luật pháp ấy phải phù hợp với luật pháp quốc tế mà Hà Nội đã tham gia cam kết.
UNGWAD tố cáo một số điều luật về an ninh của Việt Nam mà Hà Nội thường áp dụng đối với các nhà bất đồng chính kiến có nội dung mơ hồ, có thể khép tội không chỉ những ai dùng bạo lực cho mục tiêu chính trị mà còn cả những người chỉ hành xử quyền tự do ngôn luận và quyền tự do bày tỏ quan điểm chính đáng của công dân.
Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc nói quyền được bày tỏ ý kiến kể cả các ý kiến không đồng quan điểm với chính quyền được quy định và bảo vệ bởi điều 19 của Công ước quốc tế.
Ông Võ Văn Ái cho biết những bước kế tiếp có thể diễn ra tiếp sau tuyên bố này của Nhóm Hành động Liên hiệp quốc:
“Tổ Hành động Chống bắt bớ trái phép thông báo cho Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam rằng họ vừa thông qua ý kiến số 27/2012 tố cáo vi phạm luật quốc tế khi bắt giam các ông Định, Thức, Trung, và Long. Ý kiến này sẽ có phản ánh lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và các báo cáo viên sẽ bắt đầu hoạt động. Qua sự hoạt động đó, tôi chắc chắn rằng họ sẽ có đề xuất yêu cầu Việt Nam chấp nhận sự có mặt của một báo cáo viên đặc nhiệm Liên hiệp quốc đến Việt Nam để điều tra.”
Sau phiên phúc thẩm vào tháng 5/2010, luật sư Lê Công Định và ông Trần Huỳnh Duy Thức bị giữ y án lần lượt là 5 và 16 năm tù, ông Lê Thăng Long được giảm từ 5 xuống còn 3 năm rưỡi tù giam. Tháng 6 năm nay, ông Long đã được trả tự do sớm nửa năm trước ngày mãn hạn. Riêng ông Nguyễn Tiến Trung không kháng cáo bản án 7 năm tù giam.
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam cho biết đang tiếp tục vận động sự quan tâm của Liên hiệp quốc đối với các nhà bất đồng chính kiến khác đang bị giam cầm tại Việt Nam, mà gần đây nhất là trường hợp của blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG, nhạc sĩ Việt Khang, và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, những người bị lãnh án từ 4 tới 12 năm tù vì tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
mardi 22 novembre 2011
Tuyên bố của ông Jean-François Julliard
Tuyên bố của ông Jean-François Julliard, Tổng thư ký Phóng viên Không biên giới, nhân dịp Ủy ban vận động tự do cho Nguyễn Tiến Trung trình bày về tình hình Nguyễn Tiến Trung tại Rennes, ngày 18 tháng 11 năm 2011
Hơn hai năm sau ngày Trung bị tuyên án, chúng tôi muốn khẳng định lại sự ủng hộ của chúng tôi đối với Nguyễn Tiến Trung và gia đình anh, nhân Tuần lễ Đoàn kết Quốc tế. Chúng tôi đang tiếp tục các nỗ lực để Trung được trả tự do và chúng tôi tiếp tục công việc bảo vệ quyền tự do thông tin tại Việt Nam.
Ngày 2 tháng 9, Quốc khánh Việt Nam, chúng tôi đã gửi một lá thư đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam công bố ân xá cho hơn 10000 tù nhân. Chúng tôi yêu cầu mọi tù nhân lương tâm được trả tự do, và kêu gọi sự chú ý của ông Thủ tướng tới số phận của ba nhà báo và 17 bloggers, trong đó có Nguyễn Tiến Trung, người hiện vẫn trong tù. Cho đến nay, chúng tôi vẫn không nhận được hồi đáp.
Quyền con người và quyền tự do ngôn luận đã trở nên tồi tệ hơn tại Việt Nam trong những năm gần đây, và nhiều vụ bắt giữ tiếp tục. Ngày nay, Việt Nam là một nước với số công dân mạng bị ở tù nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đa số họ bị truy tố với tội danh lật đổ hoặc âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, theo điều khoản 88 của bộ luật hình sự.
Tuy vậy, một số điều khoản Hiến pháp Việt Nam đảm bảo các quyền con người và quyền tự do ngôn luận. Ví dụ, điều 43 Hiến pháp công nhận công dân có quyền tham dự vào các vấn đề công cộng và xã hội, quyền thảo luận các vấn đề quốc gia hoặc địa phương, quyền gửi kiến nghị hoặc tham gia góp ý kiến với các cơ quan nhà nước, và quyền tham gia trưng cầu dân ý do chính phủ tổ chức.
Vậy điều gì có thể biện hộ cho việc giam giữ Nguyễn Tiến Trung, chỉ vì anh kiến nghị với chính phủ về chính sách giáo dục và bày tỏ những quan điểm dân chủ?
Điều 69 Hiến pháp Việt Nam đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Công dân có quyền được thông tin, cũng như quyền hội họp, quyền lập hội, và tham gia vào các cuộc biểu tình trong khuôn khổ luật định. Vậy tại sao anh lại bị chỉ trích vì tham gia Đảng Dân Chủ Việt Nam?
Cuối cùng, điều 71 Hiến pháp bảo vệ quyền tự do thân thể, các quyền về đời tư cá nhân, sức khỏe, danh dự và phẩm giá. Không ai có thể bị bắt giữ mà không có trát đưa ra bởi tòa án hoặc phê chuẩn bởi Viện kiểm sát, trừ trường hợp bị bắt quả tang. Nguyễn Tiến Trung đã chỉ bày tỏ khát vọng được thấy những nguyên tắc đó được thực thi và tôn trọng. Vậy mà anh bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước."
Ngay sau ngày quốc khánh thứ 66 của Việt Nam vào tháng 9, chúng tôi đã hoan nghênh việc trả tự do cho 10000 tù nhân. Hôm nay chúng tôi cấp thiết kêu gọi chính quyền Việt Nam mở rộng ân xá tới Nguyễn Tiến Trung và mọi tù nhân chính trị.
Jean-François Julliard, Tổng thư ký Phóng viên Không biên giới
jeudi 10 novembre 2011
Tham gia tuần lễ đoàn kết quốc tế
Xin chào các anh chi
Từ ngày 9/11/2011 đến ngày 19/11/2011 sẽ diễn ra tuần lễ đoàn kết quốc tế (semaine de la solidarité internationale) ơ’ « Nhà Quốc Tế » (hay maison internationale), thành phố Rennes (7 Quai Chateaubriand, 35000 Rennes, France)
Trong chương trình này, vào ngày thứ sáu 18/11/2011, giáo sư Philippe Echard, chủ tịch của Ủy Ban Vận Động trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung, sẽ thuyết trình về tình hình các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam, và đặc biệt là trường hợp của Nguyễn Tiến Trung. Bài thuyết trình sẽ bắt đầu vào 18h30 đến 20h, kế tiếp đó là hội thảo về « dân chủ, quyền con người » và vai trò của truyền thông.
Ngày thứ bảy 19/11, vào lúc 14h sẽ diễn ra cuộc biểu tình tại place de la Mairie, thành phố Rennes với sự tham gia của thầy cô giáo và sinh viên trường Insa de Rennes (nơi Nguyễn Tiến Trung từng theo học 5 năm), cũng như tất cả những ai ủng hộ những hành động của Tiến Trung.
Rất mong sự tham gia của các anh chị.
Ủy Ban Vận Động trả Tự Do cho Nguyễn Tiến Trung
mardi 2 novembre 2010
Tổ chức Phóng Viên Không biên giới gửi một bức thư mở đến bà Hillary Clinton trước chuyến thăm của bà đến Hà Nội
Lê Công Định, một luật sư bất đồng chính kiến trên mạng và nổi tiếng, đã bị kết án năm năm tù vào ngày 20/01/2009. Nguyễn Tiến Trung, một blogger và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, hiện đang thụ án tù bảy năm. Theo sau thời gian cầm tù là 3 năm quản chế tại gia. Cả hai đều bị kết tội vi phạm an ninh quốc gia "tổ chức lên kế hoạch cấu kết với thế lực phản động nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thông qua internet"
Phạm Minh Hoàng, một blogger (www.pkquoc.multiply.com) với 2 quốc tịch Pháp và Việt Nam, đã chính thức nhận án vào ngày 29 tháng 9 sau sáu tuần bị giam giữ, trong lúc đó gia đình ông đã không có bất kỳ tin tức gì. Ông cũng bị cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính phủ. Vợ ông cho biết lý do thực sự của việc bắt giữ là ông đã phản đối việc khai thác bauxite của một công ty Trung Quốc tại Tây Nguyên Việt, và tác động của nó đến môi trường. Các nhà báo khác và các blogger đã từng đề cập đến chủ đề này, như Bùi Thanh Hiếu, cũng đã bị bắt giữ.
Tình hình nhân quyền đang trở nên tồi tệ hơn trong lúc Đại hội Đảng Cộng sản sắp đến gần vào đầu năm tới. Việt Nam dù sao cũng đã đồng ý hòa hợp phát triển kinh tế và tôn trọng nhân quyền, khi Việt Nam được gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2006.
Chính phủ đã tăng cường kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông và Internet từ năm ngoái và đã có sự gia tăng các cuộc tấn công các trang web chỉ trích chính phủ.
Trong bài phát biểu lịch sử của mình cuối tháng Giêng, Clinton khẳng định rõ ràng rằng Mỹ hỗ trợ quyền tự do ngôn luận và phát biểu ý kiến trên mạng, nói rằng Hoa Kỳ đã có một nghĩa vụ bảo vệ công cụ phát triển kinh tế và xã hội này. Phóng viên Không Biên Giới kêu gọi bà bảo vệ những nguyên tắc này ngay bây giờ với sự liên hệ của bà với Việt Nam, nhà tù lớn thứ hai thế giới cho cư dân mạng với 16 nhà bất đồng chính kiến trên mạng và phóng viên bị bắt giữ
Dịch từ website của RSF
dimanche 5 septembre 2010
Lời kêu gọi ân xá của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nhân ngày Quốc Khánh Việt Nam
Nhân dịp Quốc Khánh Việt Nam, ngày 2 tháng 9 2010, chính phủ Việt Nam đã thông báo sẽ giảm án cho các phạm nhân.
Tổ chức Phóng viên không biên giới nhắc lại lời kêu gọi của mình với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền con người, các công dân mạng và các nhà báo bị bỏ tù oan vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Nhà cầm quyền phải tôn trọng cam kết của mình và đảm bảo tự do ngôn luận. Việc trả tự do cho những công dân đấu tranh cho quyền con người, quyền báo chí và viết blog sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ của sự cởi mở.
Trước lúc lệnh ân xá có hiệu lực, phóng viên không biên giới kêu gọi sự chú ý của chính quyền về ba nhà báo : Trần Khải Thanh Thủy, Trương Minh Đức và Nguyễn Văn Lý và 15 công dân mạng : Nguyễn Văn Tĩnh, Nguyễn Mạnh Sơn Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhàn, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhâm, Trần Quốc Hiền, Trương Quốc Huy, Nguyễn Hoàng Hải (Điếu Cày biết), Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Xuân Nghĩa và Lê Công Định.
Ngày 20 Tháng bảy, Jean-Francois Julliard, Tổng thư ký phóng viên không biên giới gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ông chấp nhận cấp ân xá cho những công dân đấu tranh cho quyền con người, nhà báo và các blogger.
Trong năm 2006, Việt Nam đã đồng ý hòa hợp sự phát triển kinh tế với sự tôn trọng các quyền tự do cơ bản của công dân của mình khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và chính trị, trong đó nhấn mạnh quyền tự do ngôn luận và ý kiến là một quyền cơ bản phải được thực hiện một cách tự do.
jeudi 15 juillet 2010
Ủy Ban Nhân Quyền Âu Châu lên tiếng về trường hợp của Nguyễn Tiến Trung
Tiểu ban về Nhân quyền của Nghị viện châu Âu đã tổ chức một buổi điều trần sáng nay về tình hình nhân quyền ở Đông Nam Á.
Từng chất vấn đại diện của Đại sứ quán Việt Nam, bà Nicole Kiil-Nielsen, nghị sĩ Âu Châu (đảng Xanh) được bầu tại miền Tây nước Pháp, dựa trên trường hợp cụ thể của Nguyễn Tiến Trung để thảo luận về vấn đề đàn áp các blogger ủng hộ dân chủ một cách hòa bình cho Việt Nam. Bà nhấn mạnh rằng:
"Nguyễn Tiến Trung, đã từng là một sinh viên tại Rennes, thành phố của tôi, trong vòng năm năm không chỉ là một sinh viên xuất sắc mà còn là một người thanh niên trẻ cởi mở và gắn bó với tổ quốc của anh, Việt Nam. Điều đáng chú ý Trung là người sáng lập của Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ.
Trung đã bị bắt ngày 7 tháng bảy năm 2009, trước khi bị kết án nặng nề, ngày 20 tháng một vừa qua, bảy năm tù. Rõ ràng tội của Trung chỉ là mong muốn sự ra đời của nền dân chủ đa đảng tại Việt Nam, trong khi đó lại bị xem như là một cố gắng để "lật đổ chính phủ của nhân dân."
Chính phủ Việt Nam đã công bố một lệnh ân xá hàng loạt vào ngày 02 Tháng Chín, trong Ngày Quốc khánh Việt Nam. Tôi muốn là đợt ân xá này sẽ áp dụng cho các tù nhân lương tâm và chính trị.
Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và chính trị, mà quyền tự do ngôn luận và chính kiến là quyền cơ bản nhất
Tại sao Việt Nam không tôn trọng cam kết quốc tế mà họ đã kí kết? EU tin rằng áp lực chính trị cùng với sự can thiệp mang tính xây dựng có nhiều khả năng giúp xã hội Việt Nam cởi mở hơn trong sự tôn trọng pháp luật. Vì vậy các cuộc đối thoại EU-Việt Nam về quyền con người là rất quan trọng. "
dimanche 11 juillet 2010
Báo Pháp nhắc nhở Nguyễn Tiến Trung bị tù đã 1 năm
Mở đầu với câu “Ngày kỷ niệm buồn” (nguyên văn: “Triste anniversaire”), báo Ouest-France ra ngày 7 tháng 7 nhắc lại là đúng một năm trước đó, một cựu sinh viên du học tại Rennes, Nguyễn Tiến Trung, bị bắt tại Việt Nam.
Bài viết về một năm sau ngày Nguyễn Tiến Trung bị bắt trên trang web Ouest-France.fr của Pháp. (Hình: Người Việt)
Nhắc về Nguyễn Tiến Trung, báo này viết:
“Trung đi học 5 năm ở Rennes từ 2002 tới 2007, rồi tốt nghiệp với văn bằng kỹ thuật tin học tại Viện Quốc Gia Khoa Học Ứng Dụng (Insa). Trong những năm đó, người thanh niên năm nay 27 tuổi lập ra Tập hợp Thanh Niên Dân Chủ và viết blog kêu gọi có thêm quyền tự do.”
Sau khi học và tập sự xong, Nguyễn Tiến Trung về nước năm 2007, và tiếp tục kêu gọi dân chủ hóa đất nước ngay từ trong nước Việt Nam.
Ðiều này khiến chính quyền khó chịu và cũng khiến Trung bị an ninh theo dõi, để ý. Cuối năm 2007, khi thanh niên Việt Nam kêu gọi nhau đi biểu tình chống Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa, thì tối hôm trước chính quyền tới tận nhà cảnh cáo Nguyễn Tiến Trung đừng đi biểu tình.
Trên trang blog, Nguyễn Tiến Trung viết rằng vào hôm trước đó, “an ninh, công an, đảng ủy quận, phương đến gia đình mình để 'vận động' mình không tham gia biểu tình.” Những người này tố cáo Trung là “có âm mưu kích động” cuộc biểu tình.
Tháng 3 năm 2008, Trung bị gọi nghĩa vụ quân sự. Một số tin cho biết Trung bị kỷ luật liên tục từ ngày nhập ngũ vì Trung không chịu tuyên thệ “Mười lời thề danh dự của quân nhân.” Không rõ điều nào trong mười điều khiến Trung không tuyên thệ, nhưng điều thứ nhất có phần “dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam... xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì... chủ nghĩa xã hội.”
Nguyễn Tiến Trung tự nhận là một đảng viên đảng Dân Chủ Việt Nam, của ông Hoàng Minh Chính. Khi điền giấy tờ nhập ngũ, Nguyễn Tiến Trung ghi “ngày vào đảng” là ngày Trung vào đảng Dân Chủ.
Ngày 7 tháng 7 năm 2009, chính quyền bắt giam Nguyễn Tiến Trung “theo Ðiều 88 Bộ luật Hình Sự về hành vi chống nhà nước.”
Ðầu năm 2010, Nguyễn Tiến Trung bị tuyên án 7 năm tù và 3 năm quản thúc. Cùng bị kết án trong phiên tòa này còn có các nhà bất đồng chính kiến Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long.
Một loạt các tổ chức quốc tế như Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, Phóng Viên Không Biên Giới, Ân Xá Quốc Tế, Freedom House lên án sự đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với những người vận động ôn hòa. Phái bộ của khối Liên Âu cũng lên tiếng nhận xét rằng đây là một bước lùi đáng tiếc về mặt chính trị tại Việt Nam.
Các bạn và giáo sư của Nguyễn Tiến Trung tại Insa đã thành lập một ủy ban vận động trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung. Theo báo Ouest-France, thành phố Rennes và vùng Bretagne cũng lên tiếng đòi thả Nguyễn Tiến Trung.
Báo Ouest-France là nhật báo tiếng Pháp lớn nhất thế giới, theo trang web của báo này cho biết.