jeudi 22 octobre 2009

Thông báo về cuộc vận động trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung ngày 22-10-2009

Buổi chiều ngày 22-10-2009, Ủy Ban Vận Động Trả Tự Do Cho Nguyễn Tiến Trung đã tổ chức buổi họp báo tại trường Insa de Rennes, trường mà Trung đã theo học, với sự đồng ý của thầy hiệu trưởng, ông Alain Jigorel. Nhiều báo đài cũng đã đến dự như đài truyền hình France3, báo Ouest-France, Le Mensuel de Rennes.

Những nhân vật quan trọng đến dự buổi họp bao gồm :

* Bà Mono Bras, cố vấn vùng Bretagne, cố vấn thị trưởng Guingamp.
* Bà Roselyne Lefrançois, cố thị trưởng thành phố Rennes, dân biểu phụ trách quan hệ quốc tế và Châu Âu, cố vấn cộng đồng thành phố Rennes.
* Ông Jean-François Julliard, tổng thư kí của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới.

Đây là những nhân vật đại diện cho các tổ chức đã phản ứng chính thức sau khi biết Nguyễn Tiến Trung bị tạm giam vào ngày 7 tháng 7 năm 2009.

Buổi họp báo đã bắt đầu bằng lời phát biểu của ông Hiệu Trưởng trường Insa : « Tôi là hiệu trưởng trường Insa, nhưng trước hết tôi đến đây với tư cách là một người công dân, đơn giản là để đấu tranh cho những giá trị cơ bản, giá trị của tự do ». Ông đã nhấn mạnh những giá trị về xã hội và nhân đạo mà một kĩ sư phải có, cũng như tinh thần tự do.

Bà Roselyne Lefrançois tiếp lời : « Tôi đến cuộc họp báo buổi trưa này để đánh dấu sự cam kết của thành phố và cam kết chính trị chung nhằm giúp một sinh viên của thành phố Rennes, vùng Bretagne ». Theo bà, điều chủ yến là phải có thông tin về nguyên nhân vì sao Trung bị giam giữ. « Chúng ta chỉ có thể vui khi những thanh niên dấn thân để một xã hội phát triển hơn » - bà nhấn mạnh. Bà cũng nhắc lại về hai lá thư với sự đồng ý của ngài thị trưởng Rennes và Hội Đồng Cố Vấn Cộng Đồng thành phố Rennes, đến Sứ Quán Việt Nam tại Pháp để đòi hỏi thông tin chính xác về Trung và một bức thư đến ngài Bộ Trưởng Bộ Ngoại Vụ, để liên hệ với Đại Sứ Quán Pháp ở Việt Nam để có được thông tin về Trung.

Bà Mono Bras là đại diện cho ông Christian Guyonvarc’h, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế. Bà cũng xác nhận hai bức thư gửi đến đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và ông Bernard Kouchner. Bà cũng nhấn mạnh rằng từ tháng 10, Việt Nam giữ chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Với vị trí đó, Việt Nam phải chịu trách nhiệm về sự giám sát chặt chẽ những giá trị cơ bản của Liên Hiệp Quốc, mà quyền con người là quyền cơ bản nhất. Bà chờ đợi những nước thành viên phản ứng trước tình hình đang diễn ra ở Việt Nam để Việt Nam xứng đáng vị trí chủ tịch qua việc tôn trọng quyền con người như quyền tự do ngôn luận. Bà bày tỏ sự quan ngại về tình hình của Trung vì án tử hình đã từng được dùng đến trong trong quá khứ. Bà nhắc lại là Trung đã thi hành nghĩa vụ quân sự, điều đó chứng tỏ là một cách chính thức chính quyền đã không phản đối những gì Trung làm vào thời điểm đó. Theo bà, sự bắt giữ Trung là một « xì căng đan » và bà đã tái khẳng định rằng Hội Đồng Cố Vấn vùng Bretagne sẽ tiếp tục đòi hỏi không những thông tin mà còn sự tự do cho Trung.

Bà Mireille Ducassé, Trưởng khoa tin học của trường Insa de Rennes, từng là thầy dạy Trung khi Trung còn là sinh viên. Bà nói về Trung trước hết về khía cạnh là một sinh viên. Bà đã khẳng định là Trung là một sinh viên tốt, với cá tính mạnh mẽ, bằng cách nhắc lại việc Trung đã học một học kì ở Đanh Mạch cũng như thực tập ở Mĩ. Bà đã khẳng định sự bắt Trung là sự lãng phí chất xám và « nực cười ».

Ông Jean François Julliard, Tổng Thư Ký của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, thông báo rằng Trung nằm trong danh sách ứng cử của giải « blogger tự do » của RSF vào tháng 12 này. Theo ông, trường hợp của Nguyễn Tiến Trung, thể hiện rõ tình hình của một số quốc gia mà việc sử dụng Internet không hoàn toàn được tự do, mà nhất là Việt Nam. Ông nhắc lại bảng xếp hạng về tự do báo chí đã được công bố gần đây bởi RSF, trong đó Việt Nam xếp hạng 166/175. Ông cho rằng Trung và 9 blogger bất đồng chính kiến khác đã bị giam giữ chỉ vì gửi những bài viết cổ võ cho dân chủ lên mạng Internet, một nguyên nhân đơn giản mà người ta không thể tưởng tượng được ở Pháp. Ông nhận định rằng, điều làm thay đổi tình hình ở Việt Nam chính là sức ép của dư luận và truyền thông bởi vì nhà cầm quyền VN sợ rằng hình ảnh của VN bị tổn hại vì vấn đề nhân quyền và tự do. Ông cũng khuyến khích tiếp tục các sự vận động và họp báo trong tương lai.

Nguyễn Hoài Nam, em trai của Trung, phó chủ tịch của Ủy Ban Vận Động Trả Tự Do cho Trung đã cho biết rằng gia đình vẫn không nhận được tin tức từ 4 tháng nay. Nam thông báo rằng đã có một luật sư từ bỏ việc bào chữa cho Trung dưới sức ép của chính quyền. Nam cũng giới thiệu thành phần người Việt Nam đến tham dự buổi họp báo từ Paris, trong đó có nhà văn Vũ Thư Hiên, ông Nguyễn Quốc Nam (Liên Minh Dân Chủ), ông Việt Quốc (Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ)…

Không khí buổi họp báo trầm xuống khi Rémy, một người bạn của Trung ở Insa, không kiềm nén được nước mắt khi nhắc lại những kỉ niệm đẹp về Trung.

Cuộc họp báo đã kết thúc bằng các phỏng vấn của các báo đài với những người tham gia.

Sau buổi họp báo, Ủy Ban Vận Đông Trả Tự Do cho Trung đã tổ chức buổi biểu tình trước Tòa Thị Chính của Rennes để vận động các chữ ký và đánh động dư luận về việc bắt giữ Trung. Cuộc vận động này đã thành công với hơn 300 chữ ký.

Các tin tức về buổi họp báo đã được đăng tải:

*RFI Việt Ngữ :
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5422.asp
* Le Mensuel de Rennes
http://www.lemensuelderennes.fr/article/actualite/un-ex-rennais-emprisonne-au-vietnam-pour-dissidence-politique/index.html
* Ouest France
http://www.ouest-france.fr/ofdernmin_-Manifestation-de-soutien-a-l%E2%80%99ancien-etudiant-rennais-Nguyen-Tien-Trung_-1123957_actu.Htm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire